Vào ngày 02/08/2015, sinh viên Nguyễn Lê Thục Uyên – lớp K45 Chương trình Tiên tiến (CTTT) – Đại học Kinh tế Huế (đào tạo cử nhân song ngành Kinh tế nông nghiệp – Tài chính) đã lên đường sang học tập tại Đại học Uppsala, Thụy Điển trong kỳ trao đổi học thuật kéo dài 6 tháng theo học bổng Lotus Unlimited do cộng đồng Châu Âu tài trợ. Chương trình Tiên tiến đã có cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại với em để hỏi thăm cuộc sống, quá trình học tập tại đây cũng như những trải nghiệm và kinh nghiệm mới mà em muốn chia sẻ.
PV: Chào Uyên, em đã đến với chương trình trao đổi sinh viên quốc tế thuộc học bổng Lotus unlimited do cộng đồng Châu Âu tài trợ như thế nào và em có thể chia sẻ bí quyết để dành được xuất học bổng này không?
Em biết đến học bổng từ lúc em mới bước vào cánh cổng đại học. Tìm hiểu về nó 3 năm và chuẩn bị mọi hồ sơ cũng như trang bị những kĩ năng cần thiết, em chính thức nộp hồ sơ vào đợt mùa hè năm 2014 sau buổi giới thiệu về học bổng từ ban hợp tác quốc tế của Đại học Huế.
Thứ nhất, các bạn phải chuẩn bị một bảng điểm khá thu hút, vì theo em nó đóng góp đến 40% thành công trong bộ hồ sơ của bạn. Tiếp theo là trang bị vốn tiếng anh cho bản thân, bạn sẽ phải chứng minh cho người ta về khả năng ngoại ngữ của bạn, IELTS, TOELF hay một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tuy nhiên nếu chưa kịp lấy được thì cũng không sao, bạn có thể chứng minh là mình đang học một chương trình mà ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và khả năng ngoại ngữ của bạn thông thạo. Cách mà bản thân mình đã từng làm là quay một video và chứng minh cho người ta về khả năng nói tiếng Anh của bản thân. Yếu tố thứ ba chính là một lá thư giới thiệu từ giáo sư đã từng dạy bạn, vì vậy luôn nhớ là hãy thể hiện hết khả năng của mình trong suốt quá trình học, việc đó vô cùng có lợi khi bạn cần đến một lá thư giới thiệu từ giáo sư cho bất cứ bộ hồ sơ học bổng nào. Chỉ tiêu cuối cùng mà em đề cao nhất chính là hoạt động ngoại khóa, đừng ngại tham gia bất kì các hoạt động xã hội nào khi bạn còn là một sinh viên, các chương trình tình nguyện, trao đổi văn hóa, trại hè quốc tế…em trân trọng vô cùng những giờ hoạt động xã hội đó, vì nó đã dạy em rất nhiều bài học mà em không thể tìm được ở bất cứ cuốn sách hay người thầy nào.
SV Nguyễn Lê Thục Uyên – K45 CTTT trong những ngày đầu tiên tại Đại học Uppsala, Thụy Điển
PV: Vì sao em lại chọn Đại học Uppsala, Thụy Điển làm nơi để trao đổi học thuật trong học kỳ này, em có thể nói rõ hơn về kỳ học ở đây và những công việc em phải hoàn thành không?
Sau một thời gian tìm hiểu thì em đã lựa chọn Uppsala là “first option” của em. Là một trong những đối tác của quỹ học bổng, Đại học Uppsala là đại học đầu tiên của Bắc Âu và cũng là trường đại học lâu đời nhất ở Thụy Điển, luôn nằm trong top 100 đại học hàng đầu của thế giới. Tọa lạc ở thành phố Uppsala – mệnh danh là thành phố sinh viên, đó là sự lựa chọn hợp lý nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống của sinh viên quốc tế. Nổi tiếng về các ngành đào tạo như: Quản lý công; Kinh tế; Điện tử viễn thông; Em đã quyết định chọn khóa học Marketing để học trong suốt học kỳ ở đây. Hiện em đang tham gia một khóa học tiếng Thụy Điển căn bản dành cho sinh viên quốc tế, khóa học chỉ kéo dài 4 tuần nhưng em nghĩ đây là cách nhanh nhất để tiếp xúc và làm quen với môi trường mới cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa nước bạn. Ngoài ra, học ở Uppsala, còn có nghĩa là bạn sẽ có môi trường đa dạng để tham gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp, có tới 13 hội sinh viên khác nhau để bạn có thể trở thành một thành viên và trải nghiệm cuộc sống sinh viên qua các hoạt động xã hội, thể thao, giao lưu, kết bạn. Ngoài ra, em còn được biết, Uppsala là nơi thường diễn ra các buổi seminar, workshop từ những diễn giả nổi tiếng trên thế giới, đó sẽ là cơ hội tốt vô cùng cho bạn để tìm hiểu them về những vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Một góc tại Đại học Uppsala cổ kính, Đại học đầu tiên của Thụy Điển và lâu đời nhất của Bắc Âu
PV: Hơn 2 tuần học tập tại Thụy Điển, cuộc sống của em hiện tại như thế nào?. Em có gặp khó khăn gì không (về môi trường học tập, sinh sống, thời tiết và bạn bè xung quanh…)?
Hiện tại, em đã thích nghi được cuộc sống mới ở đây, không hề khó khăn như trước đây mà em từng nghĩ về việc ổn định cuộc sống mới ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Bạn biết không, con người ở đây quá thân thiện và tốt bụng, có thể hỏi thăm bất cứ ai trên đường phố về địa chỉ bạn cần đến, từ người già đến trẻ em, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn, thậm chí em còn được một thầy giáo dắt đến tận trường khi đang hỏi đường đến đăng kí lớp học. Chỉ cần bước ra đường thì bạn sẽ thấy đâu đâu cũng là sinh viên và đa số họ là sinh viên quốc tế, thật tốt để giao lưu và kết bạn khi bạn sống trong một môi trường đa văn hóa như vậy, đối với em thì đó hoàn toàn là điều tuyệt vời để tìm hiểu về các nền văn hóa của các nước khác nhau.
Thành phố Uppsala được biết đến là thành phố lớn thứ tư của Thụy Điển và là thành phố sinh viên hàng đầu tại quốc gia này với hơn 40.000 sinh viên đến từ các quốc gia khác đang theo học tại đây
PV: Được biết, trong quá trình học tập tại CTTT – Đại học Kinh tế Huế – đào tạo cử nhân song ngành Kinh tế nông nghiệp – Tài chính, em là một trong những sinh viên có thành tích học tập dẫn đầu của khóa II (lớp K45 KTNN-TC) cũng như có khả năng tiếng Anh rất tốt, em có thể chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm trong học tập của em không?
Nói là kinh nghiệm cũng không hẳn là quá nhiều kinh nghiệm bỏ túi nào cả. Hãy vạch ra cho mình kế hoạch học tập riêng, theo em thì học nhiều không bằng ở cách học, ở đại học môi trường học rất khác so với cấp ba nên bí quyết quan trọng nhất là hãy học một cách chủ động. Chủ động nghĩa là bạn là người đóng vai trò quan trọng, thầy cô chỉ là người hướng dẫn, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi và đưa ra những phán xét và nhận định của riêng của cá nhân về một vấn đề nào đó, cách đó giúp bạn nhớ bài rất kĩ và dễ dàng hiểu sâu vấn đề hơn, “take note” (ghi chú) tất cả những điểm chủ chốt của mỗi bài học trên những mặt giấy nhỏ và trình bày sắp xếp nó một cách logic, sẽ vô cùng hữu ích cho việc ôn tập trước các kỳ thi. Còn về việc học ngoại ngữ, là sinh viên của CTTT, đồng nghĩa việc bạn được học tập trong một môi trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ chủ yếu để giảng dạy, việc đó có lợi vô cùng cho việc trau dồi bốn kỹ năng cần thiết (Nghe – Nói – Đọc – Viết), đặc biệt là nghe và nói. Hãy luôn sẵn sàng là người phát biểu trong các buổi báo cáo hay thuyết trình vì đó là cơ hội, nên cứ vui vẻ sẵn sàng đón nhận. Việc tương tác giữa sinh viên và giảng viên cũng đóng góp một phần rất lớn cho việc cải thiện vốn tiếng Anh của bạn.
PV: Gần kết thúc quá trình học tập ở CTTT, em có nhận xét gì về chương trình học cũng như sự hỗ trợ từ phía chương trình và nhà trường?. Những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian qua có giúp cho em thích nghi với việc học tập ở Thụy Điển không?
Là một sinh viên của CTTT, đồng nghĩa là bạn đang du học tại chỗ. Vì vậy đó là cơ hội để bạn được trải nghiệm khung chương trình học và phương pháp giảng dạy từ trường đại học đối tác, bản thân mình nghĩ rằng cơ hội để được học tập với khung chương trình được chuyển giao từ ĐH Sydney là một điều rất may mắn đối với SV Việt Nam nói chung và SV Châu Á nói riêng, trường luôn nằm trong top 50 của thế giới với chương trình, phương pháp học hiện đại được cập nhật liên tục, CTTT – ĐH Kinh tế Huế cũng là chương trình đào tạo bậc đại học duy nhất mà ĐH Sydney – Úc chấp nhận thực hiện liên kết đào tạo cho đến nay ở Việt Nam. Nhà trường và chương trình luôn tạo điều kiện cho sinh viên chúng em chủ động học tập, các buổi “workshop” (buổi thực hành, bài tập, thảo luận dưới sự giám thị của người giảng) ngoài giờ học theo em rất có ích, nó giúp sinh viên hiểu bài và vận dụng rất nhanh, một điều mà em đặc biệt thích thú nữa đó là các giờ học ở lab-room (phòng máy tính) liên tục diễn ra trong toàn bộ nội dung một số môn học, chúng em được áp dụng những điều mà các giảng viên vừa dạy ở lớp một cách thực tế nhất, vì vậy theo ý kiến cá nhân của em, kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành ứng dụng trong học tập thì sinh viên CTTT có thể đáp ứng cao hơn so với sinh viên các hệ chính quy khác. Tuy nhiên cơ hội luôn đi cùng thách thức, bạn phải cố gắng trau dồi và chuẩn bị vốn tiếng Anh cho bản thân thật tốt, vì học tập bằng một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu cố gắng thì đó sẽ là điểm mạnh của bạn khi bước ra cuộc sống ngày nay. Vì vậy, hiện tại em đã hoàn toàn sẵn sàng để chuẩn bị bắt đầu một kỳ học mới ở đây với toàn bộ vốn kiến thức và kỹ năng mà em đã được trau dồi trong bốn năm qua trên giảng đường.
PV: Kết thúc buổi phỏng vấn, em có đôi điều gì muốn nhắn nhủ với các em sinh viên CTTT khóa sau cũng như các bạn sinh viên sẽ và đang theo học ở trường Đại học Kinh tế Huế không?
Em luôn tâm đắc câu nói này từ một cuốn sách yêu thích của em : “Dám đi, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân…”. Vì vậy, cứ dám ước mơ và hành động để biến ước mơ trở thành sự thật các bạn ạ. Những bạn nào quan tâm đến học bổng Lotus Unlimited do Cộng đồng Châu Âu tài trợ dành cho đối tượng sinh viên đang theo học Đại học có thể gởi email cho mình đến: orangetree2411@gmail.com; mình sẽ trao đổi kỹ hơn nhé.
PV: Cảm ơn em về buổi phỏng vấn, chúc em hoàn thành tốt kỳ học ở Đại học Uppsala – Thụy Điển, giữ gìn sức khỏe và tiếp tục phát huy tinh thần học tập ở kỳ học còn lại tại CTTT vào năm sau.
Trong tháng 09/2015, hai sinh viên của CTTT là Dương Minh Đức – K45 CTTT và Lê Chí Công – K44 CTTT sẽ tiếp tục tham gia kỳ trao đổi học thuật trong 6 tháng tại Đại học Porto – Bồ Đào Nha và Đại học Ghent – Bỉ cùng nằm trong khuôn khổ của học bổng này. Chương trình sẽ tiếp tục có bài phỏng vấn đến các em trong thời gian đến.
LPTT